Truyện cổ tích tấm cám

Ngày xửa ngày xưa, có 2 chị em cùng cha khác mẹ là Tấm và Cám. Khi cha qua đời Tấm sống với mẹ kế là mẹ của Cám.

Bà dì ghẻ của Tấm là một con người độc ác, ngày nào cũng bắt Tấm phải làm tất cả mọi công việc ở trong nhà còn Cám thì bà ta không bắt làm gì nên suốt ngày chơi bời lêu lổng.

1 hôm bà dì ghẻ của Tấm sai 2 chị em Tấm và Cám đi ra đồng mò cua bắt cá. Bà ta có dặn: "Trong 2 đứa ngươi hễ đứa nào mà mò được nhiều cua bắt được nhiều cá thì ta sẽ có thưởng". Bản chất Tấm là con người chăm chỉ siêng năng cho nên Tấm bắt được nhiều cá hơn Cám, Cám thì lười biếng không chịu làm việc bao giờ quen rồi cho nên ko bắt được con cá nào cả.
Trên đường trở về nhà Cám đã nghĩ mọi cách để lừa gạt Tấm. Đi qua ngang một cái ao Cám liền bảo với Tấm :

- Chị Tấm ơi chị Tấm. Đầu chị lấm, chị tắm ao sâu kẻo về mẹ mắng.

Tấm là con người thật thà nên đã tin lời cô em gái ngay. Tấm để giỏ cá trên bờ nhờ Cám coi hộ và lội xuống dưới bờ ao để gội đầu. Ở trên bờ Cám đã lấy toàn bộ cá trong giỏ của Tấm trút vào giỏ của mình và vội chạy về nhà trước Tấm. Khi Tấm gội đầu xong, bước lên bờ xem thì giỏ cá đã không còn một con cá nào. Tấm ngồi xuống khóc nức nở, Bụt thấy vậy liền hiện lên hỏi:

- Tại sao con lại khóc.

Tấm kể rõ đầu đuôi câu chuyện của mình cho Bụt nghe, Bụt liền nói :

- Thôi đừng khóc nữa con hãy nín đi, ở trong giỏ còn 1 con cá bống. Con mang về thả xuống dưới giếng để nuôi, mỗi ngày con mang một ít cơm thừa cho cá ăn và nhớ gọi: "Bống bống bang bang, Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

Nói xong Bụt hóa phép và biến mất. Tấm nghe theo lời của Bụt dặn dò mang Bống về thả xuống dưới giếng để nuôi. Ngày ngày Tấm đều nhịn ăn dành ra một chút cơm để nuôi Bống. Bống càng ngày càng lớn nhanh, người với cá quen nhau.

Cám thấy Tấm hàng ngày đều mang cơm ra giếng để thả nên Cám đã sinh nghi và rình theo Tấm. Cám theo dõi và phát hiện được nên đã về mách lại cho mẹ biết.

Đến sáng ngày hôm sau bà dì ghẻ của Tấm sai Tấm dắt trâu đi chăn tít đồng xa, bà ta đã mật ngọt dặn Tấm :

- Tấm ơi, ở làng mình cấm chăn trâu ở đồng. Con hãy dắt trâu ra cánh đồng cỏ ở xa để cho trâu ăn, con đừng cho trâu ăn đồng làng kẻo làng bắt mất trâu
Tấm không hề biết gì về ý định của mẹ con Cám nên vẫn dắt trâu đi trăn ở cánh đồng xa. 2 mẹ con nhà Cám đợi lúc Tấm đi xa nhà liền ra giếng gọi Bống y như Tấm hằng ngày vẫn gọi, Bống nghe thấy tiếng gọi quen thuộc nên đã bơi lên trên miệng giếng. Thấy Bống ngoi lên khỏi mặt nước, 2 mẹ con nhà Cám dùng lưới bắt Bống để làm thịt.

Đến chiều chăn trâu về, Tấm đem cơm ra giếng kêu mãi không thấy Bống lên biết chuyện chẳng lành Tấm ngồi khóc. Bụt lại hiện ra hỏi :

- Tại sao con khóc.

Tấm kể sự tình cho Bụt nghe, Bụt nói :

- Bống của con bị người ta ăn thịt rồi. Thôi con hãy nín đị! Về nhà lượm lấy xương cá bỏ vào bốn cái hũ và chôn dưới bốn chân giường của con.

Tấm vào nhà tìm xương cá, nhưng tìm mãi không thấỵ Có một con gà thấy như vậy nói :

- Cục ta cục tác ! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho.

Tấm lấy nắm lúa cho gà, con gà vô bếp bới ra đống xương cá Bống, Tấm lượm lấy đem bỏ vào hũ chôn dưới bốn chân giường.

Ít lâu sau trong nước có hội, Vua cho phép dân chúng vui chơi, trai gái trong làng nô nức đi chơi. Mẹ ghẻ không muốn cho Tấm đi chơi nên đem ra một đống lúa trộn chung với gạo bắt Tấm lựa cho xong. Tấm buồn quá nhưng cũng phải làm cố cho mau để còn thì giờ đi dự hội.

Khi Tấm đang làm việc có bầy chim sẻ bay sà xuống, Tấm liền kêu bầy sẻ xuống giúp mình. Bầy sẻ giúp Tấm lựa chẳng mấy lúc lúa ra lúa, gạo ra gạo.Nhưng khi xong việc Tấm ngồi khóc, Bụt hiện ra :

- Tại sao con khóc?

Tấm kể :

- Con rách rưới quá làm sao đi xem hội.

Bụt nói:

- Con hãy vào đào bốn cái lọ xương cá dưới chân giường thì có đủ, nhưng con phải trở về nhà trước khi gà gáy sáng.

Tấm vâng lời đào lên. Lọ thứ nhất là quần áo, khăn, nón trâm cài; lọ thứ hai đôi hài thêu, lọ thứ ba bốn con ngựa bé tí, khi đặt xuống đất biến ra bốn con ngựa thật; lọ thứ tư một chiếc xe ngựa.

Tấm vui mừng khôn xiết, vội vàng tắm gội thay quần áo lên xe đi dự hội. Hôm nay Hoàng tử mở hội kén vợ. Hoàng tử giả dạng thường dân đi cùng đoàn tùy tùng len lỏi vào dân chúng để xem. Hoàng tử gặp Tấm. Nhan sắc lộng lẫy, quần áo ngựa xe như một bà hoàng, Hoàng Tử nghĩ rằng đây là con một vị quan trong triều hay là con một đại phú trong nước. Hai người nói chuyện ý hợp tâm đầu nhưng khi trời về khuya Tấm chợt nhớ lời dặn của Bụt nên vội vã cáo từ đánh xe về nhà.

Hoàng Tử chưa kịp hỏi tên họ chỗ ở nên sai quân hầu theo dấu. Trong lúc vội vã Tấm đánh rơi lại một chiếc giày. Quân hầu liền đem về cho Hoàng tử.

Ngày hôm sau Vua cho một vị quan mang giày đi khắp xứ để cho tất cả đàn bà con gái thử, nếu ai thử vừa sẽ làm vợ Hoàng Tử. Khi quan quân đến nhà Tấm, bà mẹ ghẻ cho Cám ra thử, nhưng không vừa. Vị quan kêu hết trong nhà ra thử, khi Tấm nhìn thấy, nàng biết đó là giày của mình, nàng bước đến ướm thử. Khi đặt chân vào vừa khít khao, Tấm còn đem ra chiếc thứ hai. Quân lính hò reo đem kiệu rước nàng về cung trước sự ghen ghét của hai mẹ con Cám.

Ngày giỗ cha Tấm xin phép về giỗ. Thấy Tấm về mẹ con Cám sẵn bụng không ưa nên bày mưu giết Tấm. Mẹ ghẻ bảo Tấm :

- Con hãy trèo lên cây cau hái xuống một buồng để cúng cha con.

Tấm vâng lời trèo lên cây cau, ở dưới bà mẹ ghẻ đốn gốc, Tấm ngã xuống ao chết chìm. Bà mẹ ghẻ đem quần áo của Tấm cho Cám mặc về cung nói dối Vua rằng.

- Chị Tấm không may rớt xuống ao chết. Nay Cám là em vào thế chị.

Hoàng Tử không vui nhưng không nói.

Khi Tấm chết đuối dưới ao, Tấm thành con chim Hoàng Anh bay về tận hoàng thành. Một ngày, Cám đang giặt đồ ngoài sân, chim bay đến đậu trên cành hót: "Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch. Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao".

Nghe tiếng chim hót Cám tái mặt.

Hoàng Anh ở trong hoàng thành hót rất vui tai, khi hoàng tử đi đâu nó bay theo đó. Thấy chim quyến luyến theo mình Hoàng Tử bảo:

- Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chun vào tay áo.

Chim bay đến đậu trên tay Hoàng Tử rồi chui vào tay áo. Từ ngày đó Hoàng tử quyến luyến với chim bỏ quên Cám.

Cám tức lắm hỏi ý mẹ, bà mẹ ghẻ xúi Cám bắt chim ăn thịt rồi nói dối hoàng tử. Lông chim Hoàng Anh chôn ở góc vườn hoá ra hai cây đào. Khi hoàng tử ra vườn ngự, cành lá sà xuống che thành vòng như hai cái lọng, hàng ngày Hoàng Tử ra đó nằm nghỉ ngơi.

Cám biết chuyện sai người chặt cây đi rồi dối vua. Cây đem đốt ra tro đổ ở ngoài đồng xa. Nơi đó lại mọc lên cây thị cành lá xum xuê nhưng chỉ có một trái thơm ngát một vùng. Một hôm có bà lão ăn mày đi ngang qua đó thấy trái thị trên cao lấy cái bị ra và nói: "Thị ơi, thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn".

Bà lão nói xong thị rụng vào bị của bà. Bà đem về nhà để trong buồng cho thơm. Hàng ngày bà đi ăn xin, từ trong trái thị chui ra một cô gái nhỏ biến thành cô Tấm. Tấm dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm giúp cho bà lão. Lần nào đi về bà lão cũng thấy nhà cửa đã được dọn dẹp gọn gàng. Một hôm bà giả bộ đi chợ nhưng quay trở về núp ở cánh cửa xem sự thể. Như mọi hôm Tấm chui ra làm việc, bà lão thấy mừng quá chạy lại ôm Tấm rồi xé cái vỏ thị. Từ đó Tấm ở với bà giúp bà làm lụng. Bà lão có Tấm giúp nên dành dụm làm một quán nước bên đường bán cho khách. Tấm giỏi têm trầu ngon nên hàng quán đắt khách.

Một hôm nọ, Hoàng tử đi ngang qua làng thấy quán sạch sẽ ghé uống nước ăn trầu. Thấy trầu têm cánh phượng giống vợ mình làm thuở trước nên hỏi:

- Trầu nầy ai têm ?

Bà lão đáp :

- Trầu nầy con gái già têm.

- Con gái bà đâu cho xem mặt.

Bà lão gọi Tấm ra. Khi Tấm xuất hiện Hoàng Tử nhận ra vợ mình. Mừng rỡ hỏi sự tình rồi cho kiệu đón Tấm về cung.

Vua cha truyền ngôi cho Hoàng Tử và tấn phong Tấm làm Hoàng Hậu. Còn mẹ con Cám gian ác Vua truyền đem ra xử chém để răn đời. Nhưng Tấm thương mẹ ghẻ và thương em nên xin vua tha tội. Vua chuẩn tấu nhưng đuổi hai mẹ con ra khỏi hoàng cung về làm dân giả.

Hai mẹ con ra khỏi hoàng thành, trời bỗng nổi cơn giông tố, sấm chớp nổi lên đùng đùng, sét đánh hai mẹ con Cám chết giữa cánh đồng.

Bài học mẹ dạy bé:

- Cuộc sống có nhân-quả. Làm việc ác với người thì khó tránh khỏi quả báo.

- Người với người sống phải biết thương yêu, chia sẻ và đùm bọc nhau.
Share on Google Plus
    Bình luận